Trần Quốc Trọng mang sản phẩm giới thiệu tại một hội chợ tại Tiền Giang |
Nâng giá trị thanh long cho nông dân
Câu chuyện về chàng nông dân Trần Quốc Trọng làm rượu vang từ thanh long là cả một câu chuyện rất dài thấm đẫm mồ hôi và nước mắt.
Trọng tâm sự, vốn là một xã viên Hợp tác xã thanh long Long Trì (xã Long Trì, Châu Thành), ngày ngày chứng kiến cảnh những trái thanh long xấu không xuất khẩu được, bán không ai mua chỉ có nước vứt bỏ đã làm anh trăn trở, xót xa. Cách nào, phương thức nào để loại nông phẩm này vẫn có giá trị, giúp cho bà con trong đó có gia đình mình bớt khó khăn…
Thế rồi một lần đi tập huấn sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2011, Trọng may mắn gặp Tiến sĩ Võ Mai (Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam), được nghe tiến sĩ nói về quy trình sản xuất rượu vang từ nguyên liệu trái thanh long. Trọng nghe mà người cứ như “mộng du”. Về đến nhà ý tưởng làm rượu vang từ thanh long cứ lớn dần thôi thúc anh thực hiện. Nhưng mọi chuyện không hề đơn giản.
Trọng kể, quy trình sản xuất rượu vang rất công phu. Trái thanh long khi mua về được bóc vỏ đưa vào xay nhỏ, dùng máy li tâm tách hạt và nước riêng. Nước thanh long được pha trộn với một số phụ phẩm rồi đưa vào làm lạnh, sau đó đem ủ trong bồn chừng một năm mới thành rượu vang, có mùi thơm dịu nhẹ, vị ngon nồng như cơm ủ. Song cái khó trong chế biến chính là khâu bóc vỏ, vì chưa có máy bóc vỏ nên cần phải bóc trực tiếp, công đoạn này chỉ cần nhiễm khuẩn hoặc thuốc bảo vệ thực vật thì mẻ rượu vang coi như hỏng. Bởi vậy trong quá trình này phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Thời gian đầu, tuần nào tôi cũng thử nghiệm, mỗi lần làm theo một công thức khác nhau nhưng kết quả đều trật lất. Sau bao lần thất bại, đến giữa năm 2012 tôi mới phát hiện ra, ngoài những yếu tố trên, lượng đường, nhiệt độ, men, thời gian ủ cũng là yếu tố quyết định mà chỉ có thử nhiều lần thì mới ra được công thức. Rồi cuối cùng mẻ sản phẩm chất lượng cao đã ra đời”- Trọng nhớ lại.
Để sản xuất hàng hóa dưới dạng thương phẩm, số lượng nhiều, Trọng đã mạnh dạn đầu tư gần 2 tỷ đồng mua máy móc, thiết bị, nhà xưởng. Nhưng do thiết bị trong nước chưa có, công nghệ ngoại nhập giá quá cao, Trọng lại phải tự mày mò nghiên cứu rồi đặt hàng tại các công ty trong nước sản xuất… Khi sản xuất đi vào ổn định, Trọng đầu tư thêm 6,5 tỷ đồng lập Công ty TNHH MTV sản xuất rượu vang Thanh Long với công suất 40.000 lít/năm. Trọng khoe: Với mức sản xuất này, mỗi năm công ty có thể tiêu thụ hơn 200 tấn thanh long loại trái nhỏ, mẫu mã xấu, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu… và bà con nông dân không phải lo trái xấu bị bỏ đi một cách uổng phí.
Lợi thế của xưởng sản xuất rượu vang chính là nguồn nguyên liệu thứ phẩm trước nay vứt bỏ, giờ có thể tận dụng để sản xuất rượu vang với trị giá tăng gấp 5- 7 lần. Trung bình 1 lít rượu vang thanh long sẽ dùng khoảng 5kg thanh long tươi. Khi chế biến thành công, sản phẩm có giá bán ra thị trường với giá từ 100.000- 120.000 đồng/lít. Điều đáng mừng là số chênh lệch lợi nhuận này sẽ được chia lại với các hộ nông dân cùng hợp tác.
Không dừng lại ở chế biến rượu vang, Trọng còn sản xuất nước ép từ trái thanh long và các sản phẩm chế biến từ hạt, vỏ thanh long như phân bón, tinh dầu… Sắp tới, anh tiếp tục đầu tư và mở rộng, nâng cao công suất để đưa nhiều sản phẩm ra thị trường.
Anh Trọng bên bồn ủ rượu cùng khách nước ngoài |
Hướng đi mới cho thanh long
Trong sản xuất hàng hóa, làm ra sản phẩm tốt là một chuyện còn việc tìm “đầu ra” cho sản phẩm lại là một vấn đề cho bất cứ ai.
Đối với Trọng, ngay mẻ rượu vang thanh long đầu tiên đưa ra thị trường tiêu thụ đã mang đến kết quả bất ngờ ngoài sự tưởng tượng. Từ chỗ ban đầu tiêu thụ khoảng 8.000 lít, nhưng sau đó không lâu nhu cầu của khách hàng đã tăng lên đến 30.000 lít. Thậm chí nhiều khách hàng còn xin làm đại lý để tiêu thụ nhưng vì hàng sản xuất không đủ nên Trọng đã phải từ chối hợp đồng.
Hiện còn có doanh nghiệp của Úc đề nghị làm đối tác xuất khẩu rượu vang thanh long qua trị trường này. Trong dịp Tết Bính Thân 2016, nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đã đặt mua sản phẩm của anh để kinh doanh hàng Tết nhưng công ty không còn hàng để bán.
Đã có đối tác nước ngoài tới đặt vấn đề đưa sản phẩm xuất khẩu |
Có thể nói, xu hướng biến những loại nông phẩm tăng thêm giá trị qua chế biến đang được các doanh nghiệp, HTX ở khu vực phía Nam triển khai và bước đầu có hiệu quả. Ngoài sản phẩm của Trọng, hiện nay một số doanh nghiệp cũng đang tham gia sản xuất rượu vang và một số sản phẩm mới từ trái thanh long. Các sản phẩm phải kể tới như: Nước giải khát thanh long dạng sirô không ga của Công ty Công nghệ thực phẩm Nhật Hồng, thạch thanh long, nước ép thanh long... của Công ty TNHH Rồng Xanh, sirô thanh long ruột đỏ và búp thanh long muối của Công ty sản xuất bánh kẹo Ngọc Uyên… Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, sản phẩm của Trọng vẫn nổi bật nhất. Ông Nguyễn Xuân Hồng- Phó giám đốc Sở Công Thương Long An - cho biết: Thanh long vốn là cây trồng xóa nghèo của Long An, song thời gian qua không ít lần rơi vào cảnh được mùa mất giá, trái xấu không có đầu ra. Việc Trọng chế biến thành công rượu vang từ thanh long là hướng đi tốt không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm mà còn nâng cao giá trị của trái thanh long. Tỉnh đánh giá cao tinh thần của nông dân dám nghĩ, dám làm như Trọng và đang hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng quy mô để nhiều người dân được hưởng lợi theo.
Uớc mơ của chàng trai nông dân Trần Quốc Trọng khi được hiện thực hóa không chỉ đem lại cho anh nguồn lợi về kinh tế, mà còn mang hơi ấm mùa xuân đến cho hàng nghìn nông dân Long An. Ước mơ ấy trở nên giá trị hơn bởi tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ của những nông dân trẻ dám nghĩ dám làm như Trọng. |
Thùy Dương